Pháp Luân Công
Phụ lục — Tra cứu từ ngữ
Tất cả các chú thích đều do người dịch viết theo nhận thức chủ quan, vậy nên chỉ có tác dụng tham khảo. Liệt kê trong phụ lục này chủ yếu là các từ ngữ Hán Việt. Có hai loại chính.
Thứ nhất, các thuật ngữ hay các từ ngữ thường gặp khi diễn đạt các khái niệm trong giới tu luyện nói chung và trong bổn môn Pháp Luân Đại Pháp nói riêng. Ví dụ: nguyên anh, huyền quan, công thân, thủ ấn, chu thiên. Người dịch nghĩ rằng các từ này không nên dịch mà nên dùng trực tiếp từ ngữ Hán Việt thì tốt hơn. Tại đây người dịch chỉ cố gắng diễn giải các từ theo chữ nghĩa bề mặt (chữ nghĩa) mà không can thiệp vào nội hàm cao thâm (hàm nghĩa). Xin đọc giả vui lòng thông qua học Pháp tu luyện, giao lưu tâm đắc thể hội mà ngộ ra nội hàm của Pháp.
Thứ hai, các từ hoặc các cụm từ khó dịch cho hết nhẽ, thường là các từ liên quan chặt chẽ đến văn hoá Trung Quốc hoặc gắn chặt vào cấu trúc ngôn ngữ tiếng Hán, do vậy trong từ vựng thuần Việt không có từ ngữ tương đương, hoặc nếu dịch ra thì khó truyền đạt được sức mạnh ngôn ngữ. Ví dụ: vật cực tất phản, đả bất hoàn thủ mạ bất hoàn khẩu, nan nhẫn năng nhẫn nan hành năng hành, tu tại tự kỷ công tại sư phụ. Tại đây người dịch chỉ diễn giải ngắn gọn đủ để hiểu đại khái. Mục đích là để đọc giả người Việt vượt qua được khoảng cách do văn hoá và ngôn ngữ khác biệt gây nên.
Đối với các tên riêng vốn có nguồn gốc là tiếng nước ngoài, không phải tiếng Hán, người dịch dùng tiếng gốc hoặc tiếng Anh, ví dụ: Afghanistan, Darwin, Galileo, neutron, neutrino. Tuy nhiên riêng với các từ ngữ có gốc tiếng Phạn (Sanskrit) thì người dịch giữ nguyên từ ngữ Hán Việt. Các từ ấy tuy gốc Phạn, nhưng đã được người Hoa dùng lâu rồi, một số từ cũng đã mang hàm nghĩa khác với gốc Phạn cổ xưa, vả lại người Việt đã quen với các từ tiếng Hán này; ví dụ: Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà, niết bàn.
Các dấu nháy do người dịch chèn vào là các dấu nháy đơn ‘’ để khỏi lẫn với các dấu nháy kép “” ở nguyên tác.
A-Q: tên một nhân vật trong truyện A-Q chính truyện của Trung Quốc; thường được hiểu là một mẫu hình ngu ngốc.
an đỉnh thiết lư, thái dược luyện đan: lập đỉnh lư (lư đỉnh, lò luyện (lư)) chọn dùng thuốc (dược) để luyện đan (diễn trên chữ nghĩa bề mặt).
bách mạch giai thông: trăm mạch cùng thông, tất cả các kinh mạch đều thông cả; bách → 100, nói bách mạch hoặc trăm mạch là nói khái quát tất cả các đường khí mạch, thực ra số cách đường mạch lạc là nhiều hơn 100 rất nhiều.
bạch nhật phi thăng: bạch nhật → giữa ban ngày, phi thăng → bay lên.
ban vận: [công năng] di chuyển vật thể [từ xa]
bàn thối: xếp bằng, ngồi xếp bằng; bàn → cái bàn cái khay, thối → chân; đơn bàn: xếp bằng đơn, tức là chỉ xếp một chân lên chân kia; song bàn: xếp bằng đôi, toàn bàn, tức là hai chân gác lên nhau.
bản thể: thân thể nguyên bản ban đầu (kể cả không gian này và không gian khác). Người tu luyện có thể tu xuất ra các loại [thân] thể khác nhau, khi nói bản thể là ý nói về cái thân thể nguyên ban đầu (thân thể có được khi sinh ra, thân thể vốn có trước khi tu luyện).
bão luân: ôm (bão) bánh xe (luân).
bất thất bất đắc: không mất [thì] không được. đắc tựu đắc thất: được thì phải mất, được cái nọ ắt phải mất cái kia. bất thất giả bất đắc: [ai] mà không mất thì sẽ không được.
cách tường khán vật: [công năng] nhìn được vật cách qua bức tường, nhìn xuyên qua được vật chướng ngại (diễn nghĩa bề mặt).
câu thông: liên lạc, giao tiếp.
Chân-Thiện-Nhẫn: Chân → chân lý, chân thật, chân thành; Thiện → thiện lương, từ bi, hiền lành; Nhẫn → nhẫn nại, nhẫn chịu, nhường nhịn (đây chỉ là diễn đạt nghĩa bề mặt của từng chữ).
chính thường: bình thường, thông thường theo lẽ mà nó phải như thế.
chiều kim đồng hồ: khi nói về xoay chuyển của Pháp Luân hoặc động tác tay, tính chiều kim đồng hồ là theo người đứng trước mặt người luyện công mà nhìn vào người luyện công. Cũng có thể tạm hiểu Pháp Luân tựa cái đồng hồ ở khu vực đan điền với mặt đồng hồ quay ra ngoài, từ đó mà tham chiếu chiều quay.
chú ngữ: lời chú [quyết], câu chú.
chuyên nhất: chỉ chuyên về một thứ, trong ngữ cảnh tu luyện là nói rằng chỉ tu luyện một công pháp, không tạp lẫn với những cái khác.
công lý và công pháp: theo tập quán, người ta gọi phần lý luận, lý thuyết của bài tập công là công lý, và phần động tác là công pháp.
cường hoá: làm cho mạnh mẽ hơn.
dặm: một dặm ngày xưa là khoảng 0,5km.
dao thị: [công năng] nhìn từ xa (diễn nghĩa bề mặt); dao hoặc đọc là diêu → từ xa.
đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu: bị đánh không đấm trả, bị mắng chửi mạ lỵ cũng không nói lại.
đại Đạo chí giản chí dị: đại Đạo là giản dị nhất, Đạo lớn giản dị lắm. (diễn nghĩa bề mặt)
Đạo gia: công pháp tu Đạo nói chung; gia → nhà.
đê linh: linh thể (linh) ở tầng thứ thấp (đê).
đốn ngộ: ngộ ra lập tức, tức thời; trái với tiệm ngộ là ngộ ra từ từ, dần dần. (diễn trên chữ nghĩa)
động công: nói về luyện công trong trạng thái động.
đơn truyền: truyền cho một đệ tử, sư phụ truyền thụ cho một đệ tử chứ không phải truyền dạy nhiều đệ tử cùng lúc; công pháp đơn truyền là môn pháp truyền qua các đời theo cách đơn truyền như vậy.
giới tửu: cấm rượu. Lưu ý, bia trong tiếng Hán là ‘ti tửu’, rượu vang trong tiếng Hán là ‘bồ đào tửu’, trên mặt chữ mà xét, là cũng thuộc về rượu.
hoãn mạn viên: hoãn → từ tốn, mạn → chậm rãi, viên → tròn trịa.
hoành quan hoặc hồng quan: quan cảnh, quan sát ở mức lớn hơn, ở tầng với lạp tử lớn hơn; trái nghĩa là vi quan. So sánh tương đối thì thế giới ở tầng phân tử là hoành quan hơn so với thế giới ở tầng nguyên tử.
hữu tâm luyện công vô tâm đắc công: có tâm về việc luyện công, không có tâm vào việc đắc công (diễn chữ nghĩa).
khí cơ: cơ chế khí.
kỳ kinh bát mạch: nói về 12 đường kinh chính và 8 mạch, đôi khi là để nói về các kinh mạch nói chung. Theo truyền thống, khi nói cụ thể về các lưu thông của năng lượng thì thuật ngữ kinh hoặc kỳ kinh là nói về 12 đường kinh, liên quan tới bên trong (lục phủ ngũ tạng) với các chi bên ngoài (tay và chân); còn thuật ngữ mạch hoặc bát mạch là về 8 đường mạch. Trong sách có đề cập đến mạch Nhâm (chạy thẳng giữa thân người ở dưới da phía trước) và mạch Đốc (chạy thẳng giữa thân người dưới da sau lưng), nếu nối lại thì thành một vòng kín (tiểu chu thiên). Khi nói một khái quát chung chung, thì thuật ngữ kinh mạch, lạc mạch, bách mạch (trăm mạch), v.v. là chỉ các đường lưu thông nói chung, và nếu kể cả những đường rất nhỏ thì có rất nhiều, hàng nghìn hàng vạn.
lạp tử: các hạt, kiểu như phân tử, nguyên tử, neutrino,…
liên hoa chưởng: bàn tay sen; bàn tay duỗi tự nhiên với ngón tay giữa hơi nhíu vào trong, các ngón tay không khít vào nhau, cần nhìn thật kỹ hình chụp, băng hình để làm cho đúng.
ma luyện: chữ ma này là chữ ma trong từ ma tính, ma nạn,…
nãi bạch thể: thân trắng sữa; nãi → sữa.
nguyên thần ly thể: nguyên thần rời khỏi (ly khai) thân thể.
nhất chính áp bách tà: một điều ngay chính trấn áp cả trăm thứ tà (diễn nghĩa bề mặt). tâm chính áp bách tà: tâm chính thì trăm thứ tà đều bị áp chế.
nhất mạch đới bách mạch: một đường mạch vận chuyển dẫn theo tất cả các đường mạch khác vận chuyển theo.
nhục thân hoặc nhục thể: thân thể xác thịt.
nội hàm: hàm nghĩa, ý nghĩa, những thứ ở bên trong, chứ không phải là biểu diện là những thứ ở bề ngoài.
Pháp Luân: bánh xe (luân) Pháp (diễn nghĩa bề mặt).
phản tu: tu ngược (diễn nghĩa bề mặt).
Phật gia: nhà Phật, công pháp tu Phật nói chung; gia → nhà.
Phật giáo: tôn giáo của nhà Phật, công pháp thuộc Phật gia mà hình thành tôn giáo thì được coi là thuộc về Phật giáo. Người Việt ta thường hiểu Phật giáo đồng nghĩa với Thích giáo (tôn giáo có gốc gác từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni).
phụ thể: bám vào (phụ) thân thể (thể).
quan: quan ải, cửa ải, thường có nghĩa là khảo nghiệm, thử thách; quá quan tức là vượt quan, vượt qua khảo nghiệm, thử thách; một số huyệt vị quan trọng cũng được gọi là quan, hoặc đại quan.
quyết: trong sách này nghĩa là bài khẩu quyết, nhẩm đọc (mặc niệm) một lần trước mỗi bài công pháp. Chú ý: do đặc điểm của khẩu quyết cũng như các câu chú khác, học viên cần nghe trực tiếp tiếng Hán và phát âm tiếng Hán cũng như lặp theo phát âm Hán (có trong băng tiếng nhạc nền bài tập). Các phần phiên âm, phiên dịch hay diễn nghĩa chỉ để tham khảo cho dễ hiểu. Diễn ý theo nghiã bề mặt chữ đại khái các câu quyết của năm bài công pháp như sau.
1. Fó zhǎn qiānshǒu fǎ (phúa trản triên sấu phả) (Phật Triển Thiên Thủ pháp, bài công pháp Phật mở nghìn tay): Shēnshén héyī (sân sấn khứa y) (thân thần hợp nhất, thân và thần hợp làm một), Dòngjìng suíjī (tụng chịnh xuấy chi) (động tĩnh tuỳ cơ, động-tĩnh thế nào là tuỳ theo [khí] cơ), Dǐngtiān dúzūn (tỉnh thi-an tú dzun) (đỉnh thiên độc tôn, to lớn như đỉnh trời với sự cao quý độc nhất), Qiānshǒu Fó lì (triên sẩu phúa lị) (thiên thủ Phật lập, Phật lập ra nghìn tay).
2. Fǎlún zhuāng fǎ (phả luấn troang phả) (Pháp Luân Trang pháp, bài công pháp Pháp Luân đứng): Shēng huì zēng lì (sâng khuậy dzâng lị) (sinh huệ tăng lực, nảy sinh trí huệ tăng cường lực), Róng xīn qīng tǐ (rúng xin trinh thỉ) (dung tâm khinh thể, tâm bao dung thân thể nhẹ nhàng), Shì miào shì wù (sự mi-ạo sự ụ) (tự diệu tự ngộ, như là kỳ diệu như là ngộ), Fǎlún chū qǐ (phả luấn chu chỉ) (Pháp Luân sơ khởi, Pháp Luân bắt đầu khởi [động]).
3. Guàntōng liǎngjí fǎ (quạn thông li-ẻng chí phả) (Quán Thông Lưỡng Cực pháp, bài công pháp thông suốt hai cực): Jìnghuà běntǐ (chịnh khoạ bấn thỉ) (tịnh hoá bản thể), Fǎ kāi dǐng dǐ (phả kai tính tỉ) (Pháp khai đỉnh để, Pháp khai mở trên đỉnh và dưới đáy), Xīn cí yì měng (xin tsứ y mẩng) (tâm từ ý mãnh, tâm từ [bi] ý mạnh mẽ), Tōngtiān chè dì (thông thi-an chựa tị) (thông thiên triệt địa, thông lên trời và xuống tận đáy đất).
4. Fǎlún zhōutiān fǎ (phả luấn trâu thi-an phả) (Pháp Luân Chu Thiên pháp, bài công pháp Pháp Luân chu thiên): Xuánfǎ zhì xū (xoán phả chị xư) (toàn Pháp chí hư, quay Pháp [Luân] đến tận hư [không]), Xīn qīng sì yù (xin trinh sự uỳ) (tâm thanh tự ngọc, tâm thanh [tịnh] như ngọc), Fǎnběn guīzhēn (phán bẩn qui trân) (phản bổn quy chân), Yōuyōu shì qǐ (iêu iêu sự trỉ) (du du tự khởi, từ từ dâng lên).
5. Shéntōng jiāchí fǎ (sấn thông chi-a chí phả) (Thần Thông Gia Trì pháp, bài công pháp gia trì thần thông): Yǒuyì wúyì (yểu ị ú ị) (hữu ý vô ý, ý như có như không), Yìn suí jī qǐ (ìn xuấy chi trỉ) (ấn tuỳ cơ khởi, [thủ] ấn là chuyển động tuỳ theo [khí] cơ), Sì kōng fēi kōng (sự kông phây kông) (tự không phi không, như là không như là chẳng phải không), Dòngjìng rúyì (tụng chịnh rú ị) (động tĩnh như ý, động-tĩnh thế nào ấy là như ý).
sở cầu: chỗ truy cầu. hữu sở cầu: có truy cầu, mang tâm truy cầu. vô sở cầu: không có truy cầu.
sơn căn: huyệt vị ở gốc mũi, dưới chân mày.
vô tỷ: không gì sánh được.
tam hoa tụ đỉnh: ba bông hoa tụ trên đỉnh đầu.
tâm chính tà bất xâm: tâm mà ‘chính’ thì tà không xâm nhiễu được.
tá công: mượn công (diễn nghĩa bề mặt).
tải thể: thể truyền tải, có tác dụng truyền tải.
tân trần đại tạ: quá trình cái mới thay cho cái cũ kiểu như tế bào cũ già lão và bị đào thải và được thay thế bằng tế bào mới.
tay: trong sách này, chúng tôi thống nhất cách dịch các bộ phận như sau: cánh tay, hoặc tay là chỉ ‘tay’ nói chung (thủ, arm); bắp tay là đoạn từ vai đến khuỷu (đại tý, upper arm); cẳng tay là đoạn từ cùi chỏ đến bàn tay (tiểu tý, forearm).
tên động tác: diễn trên chữ nghĩa đại khái tên các động tác trong sách. Đọc giả cần quan sát thật kỹ hình chụp, băng hình để làm cho đúng. Jiéyìn (chía ịn) (kết ấn) → thế tay ‘kết ấn’. Mílè shēnyāo (mí lựa sân i-ao) (Di Lặc thân yêu) → Di Lặc duỗi lưng. Rúlái guàndǐng (rứ lái quạn tỉnh) (Như Lai quán đỉnh) → Như Lai quán đỉnh. Héshí (khứa sứ) (hợp thập) hoặc Shuāngshǒu héshí (soang sẩu khứa sứ) (song thủ hợp thập) → thế tay ‘hợp thập’, hai tay làm hình chữ thập, chắp tay trước ngực. Zhǎng zhǐ qiánkūn (tráng trỉ triến kuân) (chưởng chỉ càn khôn) → tay chỉ trời tay chỉ đất, tay chỉ càn khôn trời đất. Jīn hóu fēnshēn (chin khấu phân sân) (kim hầu phân thân) → khỉ vàng phân thân. Shuānglóng xiàhǎi (soang lúng xi-ạ khải) (song long hạ hải) → hai rồng xuống biển. Púsà fú lián (p’ú xạ phú liến) (Bồ Tát phù liên) → Bồ Tát vịn hoa sen. Luóhàn bèishān (lúa khạn pây san) (La Hán bối sơn) → La Hán vác núi. Jīngāng pái shān (chin cang pái san) (Kim Cương bài sơn, Kim Cang bài sơn) → Kim Cương đẩy núi, Kim Cang đẩy núi. Dié kòu xiǎofù (tiế kậu xi-áo phụ) (điệp khấu tiểu phúc) → xếp trùng hai tay (khẩu) ở bụng dưới. Tóuqián bàolún (thấu triến pạo luấn) (đầu tiền bão luân) → ôm bánh xe trước đầu, ôm bánh xe trước mặt. Fù qián bào lún (phụ triến pạo luấn) (phúc tiền bão luân) → ôm bánh xe trước bụng. Tóudǐng bàolún (thấu tỉnh pạo luấn) (đầu đỉnh bão luân) → ôm bánh xe trên đỉnh đầu. Liǎngcè bàolún (li-ẻng tsựa pạo luấn) (lưỡng trắc bão luân) → ôm bánh xe hai bên. Dān shǒu chōng guàn (tan sẩu trung quạn) (đơn thủ xung quán) → xung lên và quán xuống riêng từng tay. Tóngshí chōng guàn (thống sứ trung quạn) (đồng thời xung quán) hoặc Shuāngshǒu chōng guàn (soang sẩu trung quạn) (song thủ xung quán) → hay tay đồng thời lên xuống (xung quán). Shuāngshǒu tuīdòng fǎlún (soang sẩu thuây tụng phả luấn) (song thủ suy động Pháp Luân) → hai tay đẩy chuyển động Pháp Luân. Dǎ shǒuyìn (tả sẩu ịn) (đả thủ ấn) → làm động tác thủ ấn, động tác tay ấn. Shǒuyìn zhī yī, èr, sān, sì (sẩu ịn chi y, ạr, xan, sự) (thủ ấn chi nhất, nhị, tam, tứ) → động tác tay thủ ấn thứ một, hai, ba, bốn. Jiāchí (chi-a trí) (gia trì) → gia cường duy trì [thần thông]. Jiāchí qiú zhuàng shéntōng (chi-a trí tríu troạng sấn thông) (gia trì cầu trạng thần thông) → gia trì thần thông hình cầu. Jiāchí zhù zhuàng shéntōng (chi-a trí trụ troạng sấn thông) (gia trì trụ trạng thần thông) → gia trì thần thông hình trụ.
thập phương thế giới: thế giới mười phương.
thất phu: người dân thường.
thất tình lục dục: bẩy thứ tình cảm sáu thứ ham muốn, chỉ những tình cảm ham muốn nói chung.
thấu thị: [công năng] nhìn xuyên qua, nhìn thấu qua (diễn nghĩa bề mặt).
thấu thị nhân thể: [công năng] nhìn được bên trong thân thể người (diễn nghĩa bề mặt).
thể: chữ này có nhiều nghĩa; theo người dịch có một nghĩa chung trong các từ: nhân thể, Phật thể, Thiên thể, vật thể, phụ thể, bản thể, tải thể, sinh mệnh thể, nãi bạch thể, tịnh bạch thể, v.v. Trường hợp ấy, người dịch bảo lưu tiếng Hán; ngoại lệ: nhân thể → thân thể người, sinh mệnh thể → thể sinh mệnh, tùng quả thể → thể tùng quả.
thể tùng quả hoặc tùng quả thể: tuyến tùng, cơ quan có hình dạng quả cây tùng, hình nón thông ở trong não, khoảng giao hội của hai bán cầu đại não + tiểu não + tuỷ sống (theo y học hiện đại).
Thích giáo: tôn giáo có nguồn gốc từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni (kiểu như người Hoa nói Lão giáo hoặc Khổng giáo là tôn giáo, giáo lý có nguồn gốc từ đức Lão Tử hoặc đức Khổng Tử).
thiên sai hoặc thiên hoặc xuất thiên: lệch lạc, sai lệch; chữ thiên nghĩa là thiên lệch.
Thiên Lý: Đạo Lý của Trời.
thước: đơn vị đo truyền thống của Trung Quốc, khoảng 33cm.
thường chuyển: vận chuyển, chuyển động mãi; cái gì lâu dài mãi mãi là thường, còn tạm thời mà không có tính lâu dài thì là vô thường.
thượng sư: thầy, sư phụ ở [cõi] trên.
thượng sỹ văn Đạo, cần nhi hành chi; trung sỹ văn Đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sỹ văn Đạo, đại tiếu chi; bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo: kẻ sỹ bậc thượng mà nghe được Đạo liền chuyên cần thực hành; kẻ sỹ bậc trung mà nghe Đạo thì cái còn cái mất; loại người bậc hạ mà nghe Đạo liền phá ra cười, không cười thì chưa đủ là Đạo. Đây là câu của Lão Tử. Từ thượng sỹ hay hạ sỹ trong giới tu luyện cũng là từ câu này mà ra.
thượng thừa: cao cấp.
trung thừa: trung cấp.
tiệm ngộ: ngộ ra từ từ, dần dần; trái với đốn ngộ là ngộ ra lập tức, tức thời. (diễn trên chữ nghĩa)
tĩnh công: nói về luyện công trong trạng thái tĩnh.
tịnh bạch thể: thân thể trắng tịnh.
trạm trang: bài tập với tư thế đứng tĩnh [thời gian lâu]; Pháp Luân Trang pháp là một bài công pháp thuộc loại trạm trang này.
Trung Y: (a) y học Trung Quốc, người Việt ta quen gọi là Đông Y; (b) thầy thuốc Đông Y.
tuỳ kỳ tự nhiên: thuận theo tự nhiên, không truy cầu, không cưỡng cầu.
vạn, chữ vạn (卍): hình phù hiệu chữ vạn (vạn tự phù).
vạn vật giai hữu linh: vạn vật đều có linh [tính].
vi lạp: các hạt nhỏ, kiểu như phân tử, nguyên tử, neutrino,…
vi quan: quan cảnh, quan sát ở mức nhỏ hơn, ở tầng với lạp tử nhỏ hơn; trái nghĩa là hoành quan hoặc hồng quan. So sánh tương đối thì thế giới ở tầng nguyên tử là vi quan hơn so với thế giới ở tầng phân tử.
vong ngã: quên đi chính mình, trạng thái mà lúc đó không ý thức được cái tôi (diễn nghĩa bề mặt); vong → quên; ngã → [cái] tôi.
Falun Gong, Vietnamese translation, 2013 ■